Một số bệnh hại quan trọng trên cây Cao Su

Thứ ba - 05/11/2013 08:13
Hiện nay trên cây cao su ở vùng Đông Nam bộ bệnh héo đen đầu lá, bệnh rụng lá mùa mưa, bệnh nấm hồng nhất là bệnh Vàng rụng lá (đốm xương cá) đang gây hại nặng, chúng tôi xin trình bày lại một số bệnh trên để bà con tham khảo và phòng trị kịp thời:


1. Bệnh héo đen đầu lá (Thán thư / Anthracnose)
 
+ Tác nhân do nấm: Colletotrichum gloeosporioides (Penz.) Sacc.
 
+ Phân bố: Khắp các vùng trồng cao su, bệnh phổ biến và gây hại quan trọng vào mùa mưa.
 
+ Tác hại: Nấm bệnh gây hại cho các bộ phận non của cây như  lá non và chồi non, bệnh nặng có thể dẫn đến lá khô, rụng, chết chồi và chết ngọn.
 
+ Triệu chứng: Bệnh gây rụng lá non dưới hai tuần tuổi, lá già không rụng thì méo mó, mặt lá gồ ghề. Bệnh gây khô ngọn, khô cành từng phần hoặc chết cả cây.
 
+ Phòng trị: Sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất đặc trị thán thư: (1) hoạt chất Carbendazim như Carbenzim 500FL, liều dùng 3% hay (2) hoạt chất Hexaconazole như Saizole 5SC liều lượng phun 2 – 3% L/ha hay Saipora 350SC ( Carbendazim 300g + Hexaconazole 50g/L), liều dùng 0,2 – 0,5%.
 
Lưu ý: cần phun sớm khi bệnh mới phát hiện, khi phun tập trung phun trên tán lá non, chu kỳ phun 7 - 10 ngày/lần, nhất là sau các cơn mưa lớn.
 
2. Bệnh phấn trắng (Powdery mildew)
 
+ Tác nhân: Bệnh phấn trắng do nấm (Oidium hevea) gây ra. Bệnh gây hại trên cây cao su ở mọi lứa tuổi, chủ yếu vào giai đoạn cây ra lá mới. Trên cây còn nhỏ, bệnh làm rụng lá, nếu nặng cây không lớn được và có thể bị chết. Trên cây lớn, bệnh gây rụng lá nhiều lần làm chậm thời gian khai thác dẫn đến giảm sản lượng mủ ở vườn cao su kinh doanh. Bệnh tấn công chủ yếu các lá non, lá có thể bị rụng hàng loạt nếu gặp thời tiết lạnh và có sương mù, sau giai đoạn này lá không bị rụng nữa mà để lại các vết bệnh có nhiều dạng loang lỗ khác nhau thậm chí toàn bộ phiến lá bị biến dạng và chuyển qua màu vàng nhạt, trên các vết bệnh sinh ra lớp bột màu trắng như phấn, cây sinh trưởng kém, hoa bị bệnh thì nhỏ hoặc thối rụng. 
 
Để phòng trừ bệnh phấn trắng đạt hiệu quả cao, không những cần sử dụng đúng thuốc, phun xịt đúng yêu cầu kỹ thuật mà cần lưu ý áp dụng đồng thời nhiều biện pháp sau đây:
 
- Tăng lượng phân đạm và kali vào giai đoạn cao su bắt đầu ra lá mới để giúp tầng lá sớm ổn định.
 
- Vệ sinh vườn cây ngay trong và sau khi rụng lá.
 
- Thăm vườn cao su thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, từ đó có biện pháp phòng trị thích hợp và kịp thời. Ở các vườn cây có nguy cơ nhiễm bệnh cao hoặc những vườn cây năm trước đã nhiễm bệnh, nhất thiết phải căn cứ vào sự ra lá mới để quyết định xử lý bằng cách phun thuốc trực tiếp để trừ ngay trong mùa bệnh từ 3 - 6 lần, với chu kỳ 7 - 10 ngày/lần.
 
Loại thuốc rất có hiệu quả là Sulox 80WP (bột lưu huỳnh thấm nước) nồng độ 0,3%, Hexaconazole (Saizole 5SC) nồng độ 0,15% hoặc hỗn hợp của Carbendazim và Hexaconazole (Saipora 350SC) nồng độ 0,2% - 0,5%.
 
Phun thuốc lên tán lá khi có 10-15% số cây ra chồi mới hoặc 10% lá non nhú chân chim trên vườn và ngừng phun khi 80% lá đã già. Thực hiện phun thuốc 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 – 7 ngày vào buổi sáng ít gió.
 
Đối với vườn cây đang thu hoạch mủ, áp dụng biện pháp xử lý gián tiếp như tăng cường phân bón vào cuối mùa mưa, tăng lượng phân đạm và kali vào giai đoạn cao su bắt đầu ra lá mới để giúp tầng lá sớm ổn định, vệ sinh vườn cây ngay trong và sau khi rụng lá.
 
Phun thuốc đúng thời điểm sẽ quyết định khả năng thành công của việc phòng trừ bệnh phấn trắng trên cao su. Thời điểm phun hiệu quả cao là giai đoạn búp lá (lá có màu tím nhạt), khi lá chưa hoàn chỉnh về mặt hình thái và nên phun 2 lần, cách nhau 2 tuần thì hiệu quả đạt được sẽ cao hơn.
 
Có thể kết hợp phun thuốc trừ bệnh Sulox  với phân bón lá cao cấp Multi-K nhằm tăng cường khả năng sinh trưởng và chống chịu bệnh của cây cao su với liều lượng 2-3 kg phân Multi-K/1.000 lít nước và phun kết hợp với thuốc Sulox ở lần xử lý thứ 2.
 
Muốn đạt hiệu quả cao trong phòng trừ bệnh này cần sử dụng máy phun thuốc hoặc thiết bị phun thuốc sao cho phù hợp. Hiện nay nhiều nơi sử dụng máy phun cao áp TF45-C30 với dàn máy kéo công nông có gắn bồn chứa nước bằng nhựa (dung tích 1.200 - 1.500 lít) và cải tiến cần bơm cao thích hợp với độ cao cây của vườn cao su.
 
Một số nơi đã đưa vào sử dụng máy phun thuốc cao áp ARBUS 400, có 24 vòi phun; Là máy phun đa năng, điều khiển được tốc độ phun, áp dụng phun dung dịch hóa chất lỏng có tính năng phun sương mù cao (8 m), phun hai hàng một lúc và xa (8m x2=16 m).
Cần trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho người trực tiếp phun thuốc.
 
3. Bệnh rụng lá mùa mưa và thối trái
 
+ Tác nhân: do nấm  Phytophthora botryosa Chee và Phytophthora palmivora (Bult.) Bult.
 
+ Phân bố: Bệnh xảy ra trong mùa mưa, mức độ gây hại khác nhau tùy từng vùng và tuỳ giống.
 
+ Tác hại: Như tên gọi, bệnh gây rụng lá già và thối trái.
 
+ Triệu chứng: Triệu chứng diển hình của bệnh là trên cuống lá bị rụng có một hoặc nhiều cục mủ trắng. Trái cao su nhiễm bệnh thì bị thối. Nấm cũng gây chết tược ghép mới trồng và chết cây con ở vườn nhân, vườn ương. Bệnh cũng lây xuống mặt cạo, do đó khi vườn cây bị bệnh rụng 50% tán lá thì phải giảm nhịp độ cạo hoặc cho nghỉ cạo trong mùa rụng lá nặng.
 
+ Phòng trị: Trường hợp vườn cao su non bị bệnh thì sử dụng  thuốc có (1) hoạt chất Metataxyl như Mexyl MZ 72WP, phun lên lá liều khuyến cáo 2,0 kg/ha hay nếu vườn khai thác bị bệnh thì có thể kết hợp phun và bôi lên vết cắt sau khi cạo sạch mặt vết bệnh (pha 40 gam Mexyl MZ 72WP trong 4 lít nước), hoặc cũng có thể dùng thuốc có (2) hoạt chất Fosetyl aluminium như Alpine 80WG, liều dùng : 1 kg/ha, thuốc có thể phun lên lá hoặc tưới gốc..
 
4. Bệnh Vàng rụng lá (Đốm xương cá) (Corynespora leaf spot)
 
+ Tác nhân: Do nấm Corynespora cassiicola (Berk. & Curt.) Wei.
 
+ Phân bố: Bệnh xuất hiện quanh năm và mọi giai đoạn sinh trưởng của cây cao su, gây hại quan trọng cho các giống cao su mẫn cảm.
 
+ Triệu chứng: Xuất hiện trên lá, cuống lá và chồi với những triệu chứng khác nhau:
 

 

  • Trên lá: Triệu chứng đặc trưng với vết bệnh màu đen có hình dạng xương cá chạy dọc theo gân lá. Vết bệnh lan rộng gây chết từng phần lá, sau đó toàn bộ lá đổi màu vàng cam và rụng từng lá chét một.

 

 

  • Trên chồi và cuống lá: Vết nứt dọc theo chồi và cuống lá dạng hình thoi, có mủ rỉ ra sau đó hóa đen, vết bệnh có thể phát triển dài đến 20 cm gây chết chồi, chết cả cây. Trên gỗ có sọc đen, chạy dọc theo vết bệnh.

 
+ Phòng trị: Phòng trừ sớm khi bệnh mới xuất hiện, cần chú ý phun kỹ mặt dưới lá, định kỳ 7 – 10 ngày phun một lần. Để phòng trị cần dùng thuốc đặc trị có hoạt chất Hexaconazole như Saizole 5SC, liều khuyến cáo : 1,0 L/ha hay hoạt chất Carbendazim như Carbenzim 500FL, liều khuyến cáo 0,5 L/ha, hoặc Saipora 350SC (Carbendazim 300 g + Hexaconazole 50g/L), liều khuyến cáo 0,2 – 0,5 %.
 
 5. Bệnh nấm hồng (Pink disease)
 
+ Tác nhân: Do nấm Corticium salmonicolor Berk. & Br.
 
+ Phân bố: Bệnh nặng ở Đông Nam bộ; Bệnh thường xảy ra trong mùa mưa.
 
+ Tác hại: Bệnh xảy ra phổ biến và quan trọng trên cây cao su 4 - 8 tuổi, vết bệnh thường xuất hiện trên thân và cành có vỏ đã hóa nâu.
 
+ Triệu chứng: Bệnh thường xảy ra trong mùa mưa, trên thân (thường gặp nơi chảng ba) và trên cành có vỏ đã hoá nâu. Ban đầu trên vết bệnh có mủ chảy và có tơ nấm hình mạng nhện màu trắng, lúc bệnh nặng nấm chuyển sang màu hồng. Khi cành chết, lá khô không rụng, phía dưới vết bệnh mọc ra nhiều chồi.
 
+ Phòng trị: Cần phát hiện bệnh sớm để xử lý kịp thời. Dùng một trong những loại thuốc có hoạt chất đặc trị bệnh như: (1) hoạt chất Validamycine như Vanicide 5SL, liều khuyến cáo: 3 – 5 L/ha hay hoạt chất (2) Hexaconazole như Saizole 5SC, liều khuyến cáo: 1L/ha hay Saipora 350SC, liều dùng: 0,2 – 0,5%. Các loại thuốc trên cần pha với chất bám dính, phun bằng bình phun đeo vai có  vòi nối dài, định kỳ 1 – 2 tuần phun lại một lần cho đến khi dứt hẳn. Ngưng cạo những cây bị chết tán và cây bị bệnh nặng. Vào mùa khô, tiến hành cưa cắt cây, cành bị chết và đưa ra bìa lô để đốt.

 

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

CHIA SẺ KINH NGHIỆM PHƯƠNG PHÁP LẤY MỦ CAO SU BẰNG KHÍ ETHYLEN (C2H4) BẰNG DỤNG CỤ MỚI NĂM 2019

CHIA SẺ KINH NGHIỆM PHƯƠNG PHÁP KHOAN LẤY MỦ CAO SU BẰNG KHÍ ETHYLEN (C2H4) BẰNG DỤNG CỤ MỚI NĂM 2019 1.     CHUẨN BỊ Nắp chóp, túi khí, nắp bít túi khí, nắp bít đầu thoát mủ, búa đóng đinh loại 1 đàu phẳng 1 dâu rẹp để nạo da me, miếng dẫn mủ, đinh dù, máng che tô, đai chắn...

Tin tức & kiến thức

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây